Ai cũng có thể bị suy thận, nhưng trong đó, những người có nguy cơ mắc cao hơn hẳn là:
- Người bị tiểu đường.
- Người bị huyết áp cao.
- Người béo phì.
- Người trên 60 tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận.
- Người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Á.
- Người mắc bệnh tự miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống)
Ngoài ra, một số người có bệnh lý ở thận khác cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến suy thận như: Bệnh thận đa nang, viêm cầu thận, chấn thương thận cấp tính,…
Điều trị suy thận
Các lựa chọn điều trị cho bệnh suy thận bao gồm:
- Lọc máu.
- Ghép thận.
Lọc máu hoặc ghép thận là cần thiết khi chức năng thận còn lại dưới 10%. Các lựa chọn này còn được gọi là liệu pháp thay thế thận (RRT). Một số người lựa chọn phương pháp chăm sóc hỗ trợ không lọc máu, thay vì chạy thận hoặc ghép thận.
Lọc máu
Lọc máu nhân tạo với mục đích là loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Thẩm phân phúc mạc được chia thành hai loại chính: Thẩm phân phúc mạc lưu động liên tục (CAPD) và thẩm phân phúc mạc tự động (APD).
Việc lựa chọn phương pháp lọc máu phụ thuộc vào các yếu tố như: Tuổi tác, sức khỏe và lối sống.
Ghép thận
Ghép thận là một phương pháp điều trị suy thận. Việc cấy ghép có thể giúp người bệnh quay về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng có đủ kinh phí và tìm được thận phù hợp. Để đảm bảo cho việc ghép thận thành công, người bệnh cũng phải đạt các tiêu chí như: Không mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính, mãn tính, đủ sức khỏe để phẫu thuật,…
Dinh dưỡng dành cho người suy thận
Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, chế độ ăn uống thân thiện với thận là cách giúp bảo vệ cơ quan này khỏi bị tổn thương thêm.
Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn
- Tùy theo mức độ suy thận và phù mà lượng muối sử dụng sẽ từ 2 – 4g/ngày.
- Không ăn đồ chế biến sẵn.
- Trường hợp tiểu ít và phù thì ăn nhạt hoàn toàn.
Hạn chế lượng kali hấp thụ vào cơ thể
Kali là khoáng chất giúp các dây thần kinh và cơ bắp hoạt động tốt. Nhưng khi bị suy thận, nếu dung nạp quá nhiều chất này, thận sẽ không thể lọc được, khiến người bệnh có thể gặp vấn đề về tim. Tùy theo mức độ suy thận mà nhu cầu kali dao động từ 2 – 4g/ngày.
Giảm lượng đạm vào cơ thể
Ở giai đoạn suy thận nặng, người bệnh thường chán ăn, không ngon miệng, hay bị buồn nôn, nhất là khi ăn thịt, cá. Do đó, để đảm bảo đủ nhu cầu chất đạm, người bệnh có thể uống thêm 1 – 2 ly sữa 250ml/ngày, cùng với 50g thịt, cá/ngày với người 50 – 55kg.
Đảm bảo đủ nhu cầu nước
- Trường hợp suy thận nhẹ, lượng nước tiểu bình thường, người bệnh không phù thì có thể uống nước theo nhu cầu khát.
- Nếu người bệnh bị phù, tiểu ít thì lượng nước được tính bằng lượng nước tiểu + 500ml.
Đảm bảo đủ năng lượng
Dù phải thực hiện một chế độ ăn nghiêm ngặt nhưng người bệnh suy thận vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể bằng cách:
- Có thể thay đạm từ thịt, cá bằng ngũ cốc thấp đạm.
- Ăn thêm miến dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ,…
- Dùng dầu ăn trong chế biến thực phẩm.
Suy thận là bệnh lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần của người bệnh. Do đó, phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh kéo dài được tuổi thọ và giảm chi phí điều trị.