Điều trị và dự phòng bệnh sởi

CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH SỞI Ở TRẺ EM

Dù không có thuốc điều trị đặc hiệu cho siêu vi sởi nhưng xử trí đúng có vai trò rất quan trọng để giảm biến chứng và tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: ở những cộng đồng có nguy cơ cao thiếu vitamin A hoặc tỷ lệ tử vong do sởi cao (>1%) nên dùng vitamin A liều cao cho mọi trẻ mắc sởi từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi. Trong thực tế, điều trị vitamin A đã làm giảm hẳn biến chứng và tử vong ở trẻ mắc bệnh sởi. Kháng sinh cần thiết khi điều trị bội nhiễm ở phổi, ruột và tai giữa. Trái với quan niệm sai lầm trong dân gian là “kiêng ăn, kiêng gió, kiêng nước” khi có phát ban, trẻ bệnh sởi cần ăn nhiều chất giàu dinh dưỡng (thịt, cá, trứng, sữa, dầu, mỡ) để phòng suy dinh dưỡng, nằm nơi thoáng mát và tắm rửa sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng da.

Nguy cơ lây nhiễm sởi xảy ra rất cao trong thời gian 5 ngày trước khi phát ban và 4 ngày sau khi phát ban. Vì vậy, tối thiểu cần cách ly trẻ trong những thời điểm này.

CÓ THỂ PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ BỆNH SỞI

Siêu vi sởi được cấy từ thập niên 1940 và được phân lập lần đầu tiên năm 1954 từ một trẻ 11 tuổi ở Mỹ tên Edmonston. Sử dụng chủng này, Hillerman bào chế thành công  vắc xin sởi năm 1963 và tiêm chủng cho cộng đồng lần đầu tiên ở Mỹ. Vắc-xin ngừa sởi là siêu vi sởi sống giảm độc lực, đơn thuần hoặc kết hợp với các siêu vi sống khác là quai bị và rubella (MMR: Measles-Mumps-Rubella).

Từ 1974, Tổ chức Y tế Thế giới đã triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng kể cả vắc-xin sởi cho mọi quốc gia, có hiệu quả tốt làm giảm số lượng người mắc bệnh. Về mặt kỹ thuật, bệnh sởi có thể được tiệt trừ hẳn giống như bệnh đậu mùa trước đây, tuy nhiên cần phải có tỷ lệ chủng ngừa và miễn dịch cực cao trong cộng đồng.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG) ở Việt Nam, đạt tỷ lệ > 95% ở tất cả các quận huyện, qui định tiêm 2 mũi vắc-xin sởi cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 85% trẻ tiêm chủng có được miễn dịch với bệnh sởi. Gần đây xảy ra một số tai biến trong tiêm chủng khiến không ít phụ huynh lo lắng và ngưng không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình. Vì vậy, số trẻ không có miễn dịch bảo vệ ngày càng cao gây ra lỗ hổng miễn dịch cộng đồng ngày càng lớn.